TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) có vị trí đặc biệt về thương mại, kinh tế biên giới, du lịch (DL) và là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì thế, địa phương được “ưu ái” dành riêng một nghị quyết quan trọng, xứng tầm.

 

 

Hơn 3 nhiệm kỳ cho 1 nghị quyết

17 năm trước, Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TX. Châu Đốc đến năm 2010 được ban hành. Thu về nhiều kết quả tích cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển địa phương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, bằng Kết luận 23-KL/TU, ngày 12/12/2016.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin: “Với chủ trương đúng đắn và tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo tỉnh của những nhiệm kỳ trước rất mong muốn xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện Châu Đốc nhằm hình thành cực tăng trưởng mới cho tỉnh; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mọi mặt (kinh tế - văn hóa - xã hội - địa chính trị), tạo động lực phát triển, sự lan tỏa cho các địa phương trong vùng II (khi đó tỉnh chia thành 3 vùng kinh tế)”.

Các nghị quyết, kết luận trở thành đòn bẩy vững chắc, giúp Châu Đốc nâng lên đô thị loại III năm 2007; được công nhận là thành phố năm 2013; trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh năm 2015. Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (năm 2018), hiện có 2/2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; được phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba về phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

 “Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã toàn tâm, toàn sức tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU. Từ đó, đã mang lại những phúc lợi xã hội thiết thực cho người dân, chất lượng cuộc sống của thành phố được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố vượt cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, như: Thu nhập bình quân đầu người, cơ sở vật chất về giáo dục, tỷ lệ hộ nghèo gần như 0%... Đồng thời, góp phần tạo sự thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế của Châu Đốc, từ một thị xã vùng biên khó khăn vươn lên thành một thành phố năng động, là trung tâm dịch vụ - thương mại - DL của tỉnh” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Vươn tầm đô thị loại I

TP. Châu Đốc tiếp tục được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối giao thương giữa các tỉnh phía Nam với Campuchia. Mặt khác, nhiều công trình, dự án quan trọng đã và đang được triển khai, như: Cầu Châu Đốc và tuyến liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; Công viên Văn hóa Núi Sam; Tỉnh lộ 55A, đường đê kênh Hòa Bình; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

“Phấn khởi trước những thành quả đạt được, song chúng ta cần nghiêm túc nhận rõ tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là: Kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí. Hạ tầng giao thông, đô thị, phục vụ DL chưa đồng bộ; sản phẩm DL còn ít. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và quản lý đô thị, cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh thương mại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Do đó, Đảng bộ TP. Châu Đốc cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ đúng, dám làm đúng để tận dụng thời cơ, khai thác triệt để nguồn lực và lợi thế so sánh, tạo ra sức bật mới trên tất cả lĩnh vực” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chỉ rõ.

Theo ông Lê Hồng Quang, thời gian tới, cần xác định nhiệm vụ xây dựng, phát triển TP. Châu Đốc có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể phát triển chung của tỉnh. Do vậy, các sở, ban, ngành tỉnh và thành phố phải phối hợp chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện, để địa phương tăng tốc phát triển. Tập trung giải pháp nhằm khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển.

Điển hình như, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết của thành phố đến năm 2035, trong tổng thể phát triển chung của tỉnh và vùng ĐBSCL; khai thác tiềm năng, lợi thế liên kết vùng, về thương mại biên giới, DL tâm linh, nhất là Khu Du lịch quốc gia Núi Sam, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ; khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đề xuất Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tăng cường mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ và DL; phát triển đa dạng loại hình dịch vụ... để giữ chân du khách; tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân thành phố.

“Phải chú trọng xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đủ tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là tiền đề cơ bản, quyết định sự thành công hay thất bại Nghị quyết đề ra. Cả hệ thống chính trị TP. Châu Đốc phải đồng loạt vào cuộc với tinh thần “tiến công, quyết liệt”, có như vậy mới biến Nghị quyết hôm nay thành hiện thực” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định quan điểm, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển TP. Châu Đốc theo hướng tăng trưởng xanh; DL là ngành kinh tế chủ đạo. Địa phương phải trở thành đô thị DL thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước của miền Tây Nam Bộ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về mục tiêu, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm DL trọng điểm của quốc gia; là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh với ĐBSCL và Vương quốc Campuchia; tăng cường liên kết vùng; phấn đấu cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2030.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi bày tỏ: “Chúng tôi sẽ khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng thành phố ngày càng phát triển xứng tầm, từng bước trở thành đô thị đáng sống, là trung tâm kết nối các vùng kinh tế động lực của tỉnh và ĐBSCL”.

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nghi-quyet-khai-mo-tiem-nang-tp-chau-doc-a366449.html